Giỗ tổ Hùng Vương hay còn được gọi là Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ, là một ngày lễ lớn trên toàn quốc. Hôm nay là ngày Giỗ tổ Hùng Vương (mùng 10/3). Hãy cùng Võ Kim Đường tìm hiểu nguồn gốc, lịch sử và ý nghĩa của ngày Lễ này nhé!
GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG LÀ NGÀY GÌ
Giỗ Tổ Hùng Vương là một ngày Lễ lớn của Việt Nam, nhằm tưởng nhớ đến công ơn dựng nước và giữ nước của tổ tiên. Ngày này thường được tổ chức vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch – và còn được gọi là ngày Quốc Giỗ.
Dân gian có câu ca:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Nghi lễ truyền thống được tổ chức hàng năm vào mùng 10 tháng 3 Âm lịch tại Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ và được người dân Việt Nam trên toàn thế giới kỷ niệm và tôn kính. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam ghi danh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1) và UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể.
NGUỒN GỐC, LỊCH SỬ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Vào thế kỷ 20, năm 1917 triều vua Khải Định, Bộ Lễ chính thức gửi công văn ghi ngày 25 tháng 7 phái quan hàng tỉnh của tỉnh Phú Thọ lấy ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch thì cử hành “quốc tế” hàng năm, tức là sức cho các quan phải mặc phẩm phục lên đền Hùng thay mặt triều đình Huế cúng tế.
Bia Hùng Vương từ khảo tại đền Thượng do Tham tri, Hữu tuần phủ Phú Thọ là Bùi Ngọc Hoàn soạn, cho biết: “Năm Khải Định thứ hai, tức năm 1917 lịch dương, Tuần phủ Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin Bộ Lễ ấn định lấy ngày mùng 10 tháng 3 hàng năm làm ngày Quốc tế, tức trước ngày giỗ Hùng Vương thứ 18 một ngày, ngày 11 tháng 3, do dân sở tại cúng tế”
Từ đó, ngày giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức vào mùng 10/03 hằng năm tại Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA NHÂN NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương sẽ có 2 lễ được cử hành tại đền Hùng:
Lễ rước kiệu vua: Đám rước kiệu với nhiều cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống sẽ xuất phát từ dưới chân núi rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng.
Lễ dâng hương: Người hành hương sẽ tới đền Hùng để tháp hương. Mỗi người đều thắp lên vài nén hương khi tới đất Tổ. Theo quan niệm của người Việt, mỗi nắm đất, gốc cây nơi đây đều linh thiêng và những gốc cây, hốc đá cắm đỏ những chân hương.
Tạ đây cũng có nhiều trò chơi dân gian: cuộc thi hát xoan (tức hát ghẹo), một hình thức dân ca đặc biệt của Phú Thọ, những cuộc thi vật, thi kéo co, hay thi bơi trải ở ngã ba sông Bạch Hạc, nơi các vua Hùng luyện tập các đoàn thủy binh luyện chiến.
CÁC THÔNG TIN BỔ SUNG VỀ NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG
Từ năm 2001, ngày giỗ tổ Hùng Vương trở thành quốc giỗ nước Việt Nam sau thời kỳ đổi mới dù nét văn hóa và tín ngưỡng này không sâu đậm và phổ biến tại Nam Việt Nam.Từ năm 2007, ngày 10 tháng 3 Âm lịch hàng năm là ngày nghỉ lễ. Lễ hội đền Hùng những năm lẻ sẽ do tỉnh Phú Thọ đứng ra tổ chức. Các năm chẵn sẽ có quy mô ở các cấp trung ương. Lễ hội đền Hùng không chỉ diễn ra ở khu di tích lịch sử đền Hùng Phú Thọ mà sẽ diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng.v.v.
Theo Nghị định 82/2001/NĐ-CP về việc quy ước lễ hội đền Hùng thì:
“Năm chẵn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “0”, “năm tròn” là số năm kỷ niệm có chữ số cuối cùng là “5”; Trung ương, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cùng Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Lễ hội; mời đại diện lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ Việt Nam, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể dự lễ dâng hương.
“Năm lẻ” là số năm kỷ niệm có các chữ số cuối cùng còn lại. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức lễ hội; mời lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch dự lễ dâng hương và tổ chức các hoạt động trong lễ hội.
Hiện nay, theo quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019, Luật cho phép người lao động được nghỉ 01 ngày vào dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương. Cụ thể vào Mùng 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm, người lao động sẽ được nghỉ làm nhưng vẫn được người sử dụng lao động trả lương vào ngày nghỉ này.
Ngày nghỉ lễ Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày nghỉ lễ khá đặc biệt khi Luật sử dụng lịch âm để xác định ngày cho người lao động nghỉ. Tại Việt Nam, có 02 dịp nghỉ lễ, tết mà Luật dùng lịch âm để xác định ngày nghỉ cho người lao động. Đó là vào dịp Tết Nguyên Đán và dịp lễ Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trên đây là nguồn gốc, ý nghĩa ngày giỗ Tổ Hùng Vương mà Võ Kim Đường Vũng Tàu muốn gửi đến bạn. Hy vọng bài viết đã mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích.
Có thể bạn quan tâm: